Đồng tác giả:
BÌNH HUYÊN
Paris, France
|
|
|
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa Đào năm ngoái còn cười gió Đông
TRUNG TÂM CƯ TRÚ QUỐC TẾ (C.I.S.P. = Centre International de Séjour) rộng rãi nguy nga trên đường Maurice Ravel mang số 6 tại quận 12 Paris, Pháp quốc, là nơi cư ngụ tạm thời của thanh niên thiếu nữ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, và cũng là địa điểm sinh hoạt Văn hóa Xã hội, trong đó có cộng đồng Người Việt.
Chiều chủ Nhật 13 tháng 12 năm 2009, trước 2 giờ 30 bóng dáng thân quen từ các ngả đường rời xe đi bộ về phiá cổng bằng kiếng quay tròn tự động mở khi có khách tới gần. Tại lầu Một, đầu căn phòng dài có sẵn bàn ghế, trên bục khá cao đã thấy giàn âm thanh cùng máy vi âm với lá cờ Tam Tài và lá cờ vàng ba sọc đỏ đàng trước tấm màn có ba hàng chữ lớn :
HOA ĐÀO NĂM NGOÁI
Nguyễn Hữu Nhật
Sau chiếc bàn dài, nhà văn Nguyễn Hữu Nhật đang ngồi làm bút ký lên từng pho sách rồi trao cho từng người khách đã trả tiền (20 euros) cho nữ nghệ sĩ Thúy Hằng đứng bán sách ở bàn bên cạnh. Pho sách dày 317 trang, bao bọc bằng lớp giấy láng màu nâu đậm, mặt trước có in hình "cây đào nở" của hoạ sĩ Vincent Van Gogh 1887 dưới nhan đề sách và tên tác giả do Tủ Sách Sài Gòn Nghĩa Thư xuất bản. Mặt sau, in hình Sắc Chỉ của Vua Quang Trung phiá dưới có in những hàng thơ chữ lớn:
BỜ NAM, BẾN BẮC SÔNG GIANH
NĂM VUA*, MỘT NƯỚC,
TRANH GIÀNH MÁU XƯƠNG!
CÁC QUAN LỚN NHỎ COI THƯỜNG
ĐỜI DÂN VỚI LÍNH TRĂM ĐƯỜNG
KHỔ ĐAU!
• Chiêu Thống, Thái Đức, Quang Trung, Quang Toản, Gia Long
Tác phẩm gồm phần Mở Sách, hăm bốn Chương sách, phần Đóng Sách, kết thúc bằng bài thơ "Khóc Cười" thay lời bạt của nữ nghệ sĩ Nguyễn Thị Vinh tại Vương quốc Na Uy Mùa Xuân 2009.
Đặc biệt, dưới nhan đề sách có hàng chữ NGỌC HÂN CÔNG CHÚA, khiến tâm hồn khách văn chương bỗng bị ngả nghiêng giữa hai tác phẩm "TRUYỆN KIỀU" của NGUYỄN DU, và "AI TƯ VÃN" của LÊ NGỌC HÂN,…
Lúc 3 giờ chiều, sau vài khắc hàn huyên, nữ sĩ Vân Hải lên máy vi âm xin được bắt đầu buổi Sinh Hoạt Văn Hoá Nghệ Thuật. Đại diện Ban Tổ Chức long trọng điều khiển Lễ Chào Cờ và Mặc Niệm.
Bác sĩ Phan Khắc Tường lên cám ơn cử toạ, khai mạc buổi sing hoạt. Ông nói : Vì Việt cộng rêu rao rằng các người Việt chạy ra khỏi nước không có Văn Hoá, nên chúng ta cần tổ chức, phổ biến các sinh hoạt Văn Hoá ở Hải ngoại cho Việt cộng biết. Chúng ta thường xúc động với hoàn cảnh xa quê, nên một số văn nghệ sĩ Hải ngoại đã, đang, và sẽ cho ra đời nhiều tác phẩm. Với "HOA ĐÀO NĂM NGOÁI / NGỌC HÂN CÔNG CHÚA /, tác giả Nguyễn Hữu Nhật nhớ về lịch sử Việt Nam. Người Việt Hải Ngoại ở khắp năm châu. Mỗi vùng đều có một nền Văn Hoá đặc thù mà Việt cộng không hiểu nổi. Tác phẩm "HOA ĐÀO NĂM NGOÁI" sẽ có giá trị rất cao. Trong khi đó, Việt cộng chỉ có loại văn hoá đồi trụy với mục đích làm cho thanh niên thiếu nữ quên đi Văn hoá Quê hương. Ngay ở Việt Nam hiện nay, một số nghệ thuật, văn hoá, phim ảnh khác với văn hoá cộng sản đã phải giấu giếm, nên khi về thăm quê hương, chúng ta không thấy gì cả. Một số nghệ sĩ bất khuất đã làm văn nghệ để nói lên sự thật của thế giới cộng sản (thí dụ tác phẩm "Muà Ổi",…).
Khán giả vỗ tay tán thưởng ý kiến của bác sĩ Phan Khắc Tường, đồng thời chào đón nhà văn Trần Thị Diệu Tâm lên giới thiệu tác giả và tác phẩm HOA ĐÀO NĂM NGOÁI.
Bà cho biết chưa từng quen hoặc tiếp xúc với hai tác giả nhóm "HƯƠNG XA" : Nguyễn Thị Vinh và Nguyễn Hữu Nhật. Nhiều lần bà đã đọc tác phẩm của Nguyễn Hữu Nhật, và bà rất quý trọng nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh kể từ thời gian TỰ LỰC VĂN ĐOÀN ra đời. Khi nhận được trọng trách giới thiệu tác phẩm "HOA ĐÀO NĂM NGOÁI", bà hơi ngần ngại vì cảm thấy không đủ kiến thức Văn học để làm việc giới thiệu tác già lâu năm Nguyễn Hữu Nhật. Tuy nhiên, sau khi xem vài trang sách, bà nhận thấy sách có giá trị đặc biệt, nên bà đã nhận lời, nghĩ rằng làm công việc này cũng là một cách tìm hiểu, học hỏi thêm về cuộc sống văn hoá, vì với cùng một tác phẩm mỗi độc giả chỉ hiểu một phần nào về tác phẩm đó. Qua tác phẩm này, tác giả Nguyễn Hữu Nhật đưa ra nhiều vấn đề của nước Việt Nam. Qua tiểu sử, Nguyễn Hữu Nhật đã bị tù cộng sản hai lần trong vòng mười một năm : một lần vì chống đối, một lần vì vượt biên. Tác phẩm đầu tay của ông là Quán Đời (1951-1967) đã được triển lãm ở Sài Gòn. Ông hiểu rõ đời sống nghệ sĩ. Nghệ sĩ thường đau khổ hơn người thường. Nội dung tác phẩm HĐNN (Hoa Đào Năm Ngoái) dựa vào thế kỷ 18. Hai câu thơ về hoa đào trong Truyện Kiều của Nguyễn Du lấy ý thơ của Thôi Hộ đề thơ ở Nam Trang Thành Đô :
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
Ý thơ diễn tả nỗi lòng bâng khuâng nhớ tiếc ngày qua. Kim Trọng về Liêu Dương không thấy Thúy Kiều nữa. Năm 1789, vua Qyang Trung cho người đem cành hoa đào về tặng Ngọc Hân Công Chúa. Bà luôn luôn giữ gìn cành hoa này. Bắc Việt có "đào", Trung Việt có "mai", cả hai là biểu tượng của giống nòi, linh hồn người Việt, thể hiện giá trị thiêng liêng của tâm hồn chúng ta. HĐNN là tiểu thuyết lịch sử hư cấu, viết theo dạng hồi ký, trình bày số phận cay đắng của Lê Ngọc Hân. Nhân vật Ngọc Hân là cái cớ để tác giả Nguyễn Hữu Nhật diễn tả lập trường lịch sử của ông. Biện luận chính trị trong đó là "được làm vua, thua làm giặc"; quân lính thường hy sinh cho mưu đồ bá vương của người cầm đầu. Từ xưa, ở Việt Nam ít ai thực hiện hai chữ "dân chủ"; không ai lấy dân làm gốc; cách nay hai thế kỷ, vua Quang Trung đã thấy Phương Bắc là mối đe doạ cho Việt Nam. Theo Trần Thị Diệu Quyên, chế độ nào mạo danh lịch sử thì "không" hoặc "không nên" tồn tại. Cuối tác phẩm, có ít câu thơ của nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh thay Lời Bạt với nhan đề "Khóc Cười" làm dịu không khí chính trị của tác phẩm HĐNN. Dân phải tiến bước để đi đến Tự Do. Mỗi quốc gia có một lịch sử. HĐNN chứa nội dung chính trị, xã hội : Tư tưởng của kẻ lãnh đạo dựa trên Thời và Thế. Cho nên, bà kết luận, đây là một tác phẩm có giá trị Văn học, xứng đáng được sự ủng hộ của Quý Vị.
Tiếng vỗ tay tán thưởng nữ sĩ Trần Thị Diệu Quyên lại càng rào rạt khi nữ sĩ Vân Hải lên giới thiệu anh Tôn Thất Anh Võ, con trai trưởng của bà và ông Tôn Thất Vinh, sẽ lên trình bày nhạc bản "Ai Về Sông Tương" của Thông Đạt.
Ai có về bên bến sông Tương,
nhắn người duyên dáng tôi thương,
bao ngày ôm mối tơ vương.
Tháng với ngày mờ,
nhuốm đau thương,
tâm hồn mơ bóng em luôn,
mong vài lời em ngập hương.
Tư tưởng lãng mạn nở tràn đầy trong lòng khán giả. Hai tràng pháo tay tán thưởng ca sĩ tài tử Anh Võ, và chào đón nhà văn Từ Trì lên nói chuyện tiếp. Nhận được sách vào tháng 8 năm 2009, sau khi đọc, ông có nhiều cảm nghĩ. Theo ông, nội dung tác phẩm HĐNN thật thơ mộng, nhắc đến một cuộc tình lãng mạn. Tình duyên tuyệt đẹp nhưng ngắn ngủi. Tác phẩm còn khiến ông suy tư về giai đoạn bi hùng của kịch sử Việt Nam vào thế kỷ 18. Dân Việt luôn sống trong cảnh tương tàn. HĐNN là một công trình nghiên cứu lịch sử, tệ đoan xã hội Việt Nam. Đây là sử liệu quý giá, phân tích lịch sử và xã hội một cách nghiêm túc, gửi đến người đọc một thông điệp đầy ý nghiã. HĐNN được đặt trong bối cảnh lịch sử chính xác. Tác giả đã đi ngược dòng lịch sử. Thêm vào đó, tác phẩm nói rất nhiều đến thân phận đáng thương của người đàn bà. Xưa kia, vì lý do chính trị nên Ngọc Hân kết hôn với Nguyễn Huệ. Theo nhà văn Từ Trì, thông điệp của tác phẩm này là : Hoài bão đoàn kết dân tộc trong tinh thần khoan dung – theo Phật giáo mà nguyên lý là "ước mong dân chủ". Tôn giáo nào cũng mang lại điều răn cho Con Người. Ngày xưa, Lê Ngọc Hân dùng chữ Nôm để sáng tác "Ai Tư Vãn". Ngày nay, HĐNN là một truyện Tình phối hợp với khảo luận Xã Hội Chính Trị Học (Sociologie) của Quá khứ và Hiện tại.
Trong tràn pháo tay cùng lời tán thưởng ồn ào, nữ sĩ Vân Hải cùng con trai Anh-Võ lên song ca nhạc bản dân ca miền Bắc "Qua Cầu Gió Bay" thật sống động.
Yêu nhau cởi áo ối à trao nhau
Về nhà dối rằng cha dối mẹ a à a á a
Rằng a ối a à qua cầu, tình tình tình gió bay
Rằng a ối a à qua cầu, tình tình tình gió bay …
Sau đó, nữ sĩ Vân Hải lên nối tiếp sinh hoạt bằng lời giới thiệu phần áp chót của chương trình : Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Hữu Nhật, đọc bài văn của nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh (vắng mặt vì lý do riêng), và chủ đề "Người già và Người trẻ ở Hải ngoại".
Để trả lời, nhà văn Nguyễn Hữu Nhật phát biểu từng điểm. Tháng Một năm 2008, ông được một số văn nghệ sĩ yêu cầu ông viết về vua Quang Trung. Khi tìm tài liệu, ông thấy rất giá trị, nhưng ông nghĩ là không đủ. Nên ông đã sáng tạo ra tác phẩm HĐNN cho đầy đủ các sự kiện theo ý nghĩ cá nhân. Sau đó, tác phẩm HĐNN được dự tính mang ra mắt tại Montréal vào tháng 9 năm 2009, nhưng phải hủy bỏ vì lý do riêng. Bên cạnh HĐNN, ông còn có bộ tranh vẽ 500 tấm và sẽ thực hiện bộ tranh vào CD rồi sẽ ra mắt, có thể ở Paris, vì Paris có không khí văn hoá đặd biệt cho tất cả mọi người, có tinh thần cởi mở lắng nghe người khác. Về tình hình Việt Nam hiện tại, nhà văn Nguyễn Hữu Nhật nhắc lại một tư tưởng cũ: Việt Nam theo Tàu, đuổi Pháp, đánh Mỹ, bây mượn ai đuổi Tàu ? Tương lai xa của dân Việt : Tàu ở Việt Nam đã 2000 năm mà vẫn được gọi là "Khách", như vậy tinh thần Đại Việt trước sau vẫn bền,… Nhờ bài thơ dán trên tường một nhà "hưu trí", mối giao cảm giữa "già" và "trẻ" đang thành hình, trước hết với thái độ êm ái của các y tá trong các nhà "hưu-trí". Nữ sĩ Vân Hải đọc bài viết của nhà văn Nguyễn Thị Vinh trình bày cảm nghĩ về phụ nữ Việt ở Hải ngoại: Người phụ nữ VN ở đây luôn luôn chủ quan và phần lớn sống theo "nữ quyền". Phụ nữ chúng ta nên nghĩ, nói, và làm những gì có lợi cho phụ nữ Việt Nam trong nước. Phụ nữ VN Hải ngoại trong ngành truyền thông hoặc cầm bút hãy hướng về thân phận phụ nữ trong nước, bênh vực nữ giới. Ngoài ra, bà Nguyễn thị Vinh viết tiếp, phụ nữ VN trong và ngoài nước phải nghĩ tới sự đau khổ của quê hương Việt Nam, và không bao giờ quên câu "Nhiễu điều phủ lấy giá hương",…
Tiếng vỗ tay lại nổi lên. Các quan khách tiếp tục lên mua sách đưa cho tác giả Nguyễn Hữu Nhật làm bút ký, trong khi bốn em bé gái bận trang phục cổ truyền Việt Nam lên múa hát giúp vui, với bài "Đi Chùa Hương",…
|
|